Khi trời rét đậm, dễ mắc những bệnh gì?
Nhiệt độ xuống quá thấp cộng với luồng không khí lạnh tăng cường là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người mắc bệnh, chủ yếu là bệnh viêm đường hô hấp. Đó là bởi vì khi không khí vào cơ thể, qua niêm mạc mũi - họng không được sưởi ấm kịp thời cũng như không được làm ẩm và lọc sạch trước khi vào khí quản khiến cho hệ thống hô hấp hoạt động kém, dễ gây các bệnh mũi - họng, nặng hơn là viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi.
Ở trẻ nhỏ, do trọng lượng cơ thể thấp, khả năng sinh nhiệt để duy trì nhiệt độ cơ thể cũng hạn chế nên càng dễ bị các biến chứng do nhiễm lạnh. Đối với những người già, người có thể trạng yếu, cơ thể khó chống chọi với nhiệt độ lạnh nên thường gặp các bệnh về huyết áp, tim mạch, xương khớp... Ở người bình thường thì gặp trời lạnh, mạch máu dưới da co lại còn mạch máu nuôi các cơ quan nội tạng sẽ giãn thêm để điều tiết lượng máu dư ra do co mạch dưới da. Nhưng những người già yếu, người bị tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, khả năng này bị rối loạn, dễ dẫn tới các bệnh lý tim mạch như rối loạn nhịp tim, cơn tăng huyết áp gây tai biến mạch máu não, đột quỵ, liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên gây méo miệng, liệt mặt, tê cóng... Bên cạnh đó, thời tiết lạnh kích thích hệ thần kinh trung ương, làm tăng co mạnh, từ đó dẫn đến bị tăng huyết áp, tai biến mạch máu não.
Biện pháp bảo vệ sức khỏe khi trời rét đậm
Để đảm bảo sức khỏe, phòng bệnh hiệu quả, người dân cần thực hiện những biện pháp sau đây:
Đối với trẻ em: Cho trẻ vui chơi nơi kín gió. Chú ý môi trường thông thoáng đề phòng vi rút gây bệnh hô hấp phát tác.
Cần kiểm tra nhiệt độ cơ thể của trẻ thường xuyên, nhất là ban đêm nếu cần đắp thêm chăn cho trẻ, nhưng không nên quấn quá chặt khiến trẻ khó thở.
Hàng ngày nên mát-xa nhẹ nhàng để giữ cơ thể bé luôn ấm áp.
Giữ ấm cơ thể (mặc ấm, đi găng, tất đầy đủ, đội mũ trùm tai để trẻ không lạnh), đặc biệt là bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu... nhất là khi chở trẻ ngoài đường.
Cho trẻ ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: Tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh.
Không nên cho trẻ ra ngoài chơi khi nền nhiệt ngoài trời dưới 15 độ C, có gió, mưa ẩm hay buốt giá. Khi nhiệt độ ngoài trời cao hơn, có thể cho trẻ chơi ngoài trời nhưng chỉ chơi khoảng 9-10 giờ sáng hoặc 14-15 giờ chiều vì lúc độ nhiệt độ thường cao nhất trong ngày và không quá lạnh. Cha mẹ chú ý (hoặc dạy trẻ) chơi đùa mà toát mồ hôi cần cởi áo, hoặc dùng khăn mềm lau mồ hôi, kẻo mố hôi mà gặp gió lạnh sẽ rất dễ bị cảm lạnh, viêm họng, viêm phổi... Nếu trẻ có biểu hiện ốm, sốt, mệt mỏi... thì không nên cho ra ngoài trời chơi.
Đối với người già:
Để đề phòng đột quỵ, người già và những người có nguy cơ cao (tăng huyết áp, bệnh tim mạch) cần chú ý:
Kiểm soát huyết áp của mình, tránh uống rượu bia, ăn thức ăn ít mỡ và kiểm tra mỡ trong máu định kỳ.
Giữ ấm cơ thể bằng cách mặc ấm, đội mũ, đi tất chân, tất tay đầy đủ...
Để phòng bệnh tăng huyết áp, người già nên ăn nhiều bữa trong ngày để cung cấp đủ năng lượng; ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa, bột dinh dưỡng; ăn nhiều rau quả tươi; uống các vitamin tổng hợp, đặc biệt là vitamin C và uống đủ nước.
Tắm ở nơi kín gió và tránh tắm quá lâu. Đặc biệt, người có tuổi nên hạn chế tắm và gội cùng lúc tránh biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe.
Nên tránh ra ngoài trời lạnh vào ban đêm hoặc sáng sớm (ví dụ như đi thể dục) bởi nhiệt độ quá thấp có thể khiến cơ thể bị nhiễm lạnh, dẫn đến suy nhược chức năng hoạt động của dây thần kinh quanh vùng mặt, huyết quản của thần kinh dinh dưỡng cục bộ bị co giật mạnh khiến cho tổ chức thần kinh bị thiếu máu, sưng, ứ nước... gây méo miệng, lệch mặt.
Ngoài ra, ngay cả những người khỏe mạnh cũng không được chủ quan với sức khỏe của mình khi trời lạnh. Bất cứ người dân nào cũng cần biết cách bảo vệ, giữ gìn sức khỏe của mình khi trời lạnh bằng cách: Ăn uống đủ các chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất để tăng sức đề kháng. Hạn chế ăn đồ ăn lạnh dễ khiến cơ thể bị lạnh. Vệ sinh cá nhân hàng ngày nhưng phải ở nơi kín gió và có thiết bị sưởi hoặc ủ ấm để tránh nhiễm lạnh. Giữ ấm cơ thể, tránh tiếp xúc đột ngột với không khí lạnh; rèn luyện sức khỏe hàng ngày... Tránh uống rượu trước khi ra ngoài trời lạnh để tránh nguy cơ bị trúng gió, cảm lạnh. Tuyệt đối không đốt than củi, than tổ ong, lá cây trong phòng kín để sưởi, vì có thể dẫn đến hôn mê, tổn thương não./.