Sáng thứ 2 ngày 11/12/2023, trường THCS Đức Giang Đã tổ chức cho các em học sinh tham quan các di tích lịch sử trên địa bàn quận Long Biên. Hai địa điểm được các em tham gia tìm hiểu là đền Trấn Vũ và đình Thổ Khối. Tại đây, các em đã được tham quan, tìm hiểu về lịch sử hình thành, đặc điểm kiến trúc của đền Trấn Vũ và đình Thổ Khối.
Địa điểm đầu tiên thầy và trò nhà trường tham quan là đền Trấn Vũ. Đền Trấn Vũ có tên chữ là “ Trấn Vũ quán” hay “ Hiển linh Trấn Vũ quán”. Đền nằm ngay sát phía trong đê sông Hồng thuộc xóm Đìa, thôn Ngọc Trì, xã Thạch Bàn, huyện Gia Lâm, nay thuộc tổ 5, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội.
Đền Trấn Vũ được xây dựng trên thế đất Quy Xà hội tụ và nhìn về hướng Bắc. Trên đồng có gò đất nổi lên được coi là hình Rùa. Sau đền và chùa là đê sông Hồng, được coi là hình Rắn (hay Rồng). Cũng theo sự tích, thì Thần Trấn Vũ đã thu phục yêu Rắn và yêu Rùa, vì thế hình tượng Trấn Vũ có kèm hình Rắn quấn trên thanh kiếm Thất Tinh chống trên lưng Rùa. Theo một số nhà nghiên cứu thì Rắn và Rùa thuộc loài vẩy ráp, chủ về nguồn nước, lạnh, tà, âm. Trấn Vũ diệt yêu Rắn, yêu Rùa được coi là biểu tượng Thần chống lụt. Theo quan niệm Đạo giáo, thần Huyền Thiên Trấn Vũ có nhiệm trấn giữ phương Bắc và biểu tượng cho mùa Đông.
Thần Huyền Thiên Trấn Vũ được thờ ở nhiều nơi, trên địa bàn Hà Nội có Trấn Vũ quán ở Quán Thánh (Ba Đình), Huyền Thiên Đại quán ở Thụy Lâm (Đông Anh) và Huyền Thiên Cổ quán ở phường Đồng Xuân…
Sự tích về Huyền Thiên Trấn Vũ có nhiều dị bản khác nhau, trong đó, sự tích được ghi tại Đền Trấn Vũ, Thạch Bàn trên bia đá có nội dung tóm tắt như sau: Trải qua 4 lần giáng sinh và tu hành tại các nước khác nhau, Ngài đã đắc đạo và có công lớn trong việc diệt trừ yêu quái, giúp trời yên biển lặng, dân cư yên ổn, vạn vật sinh sôi. Ngài còn phù hộ việc phá giặc phương Bắc xâm lược, giúp nước, đỡ dân, công đức to lớn vô cùng. Từ thời Thục Phán An Dương Vương đến nay, các triều đại đều sắc phong cho ngài là Thượng đẳng thần, cấp đất đai, hương hỏa để phụng thờ.
Theo dân gian kể rằng, vua Lê Thánh Tông đi chinh phạt phương Nam có đóng quân ở Cự Linh, đức vua được Thánh Tổ ứng mộng. Ngài bèn cho lập đền thờ, tượng và bài vị bằng gỗ ghi chữ vàng “ Hiển linh Trấn Vũ quán” có tự lúc ấy. Như vậy, đền Trấn Vũ được khởi dựng dưới thời vua Lê Thánh Tông (1460-1496).
Đền Trấn Vũ đã trải qua nhiều đợt tu sửa vào thế kỷ 17, 18 và 20 và đến thời Nguyễn thì được tu sửa và xây dựng lại hoàn toàn. Pho tượng đức Huyền Thiên Trấn Vũ là một trong 2 pho tượng cổ bằng đồng lớn nhất hiện còn. Cùng với tượng Trấn Vũ ở đền Quán Thánh Ba Đình, tượng Trấn Vũ ở Thạch Bàn là biểu hiện rực rỡ của nghệ thuật tạo tượng lớn và kỹ thuật siêu việt trong nghề đúc đồng cổ truyền. Đây là pho tượng đúc liền khối bằng đồng thau, mặt ngoài có sơn thếp. Tượng cao 3,8m; chu vi 8m; nặng 4 tấn. Tượng ở tư thế ngồi chân buông bệ, lưng thẳng, 2 đùi để hơi doãng, đầu đề trần, mặc áo Long bào đen có đai và 2 bàn chân không giầy, tay để trước ngực, xòe ngón trỏ trong tư thế ấn quyết, gươm Thất Tinh trong tay phải, mũi gươm chống trên lưng Rùa, mắt nhìn thẳng đầy nhãn lực.
Ngoài ra, tại Thượng cung còn có tượng 12 nguyên soái. Đó là các thiên tướng theo Ngài đi trừ yêu quái, nay còn 10 pho, có 2 pho là nữ Thần, xếp thành 2 day sát tường chầu vào giữa. Các pho tượng được tạo bằng đất. Mỗi pho có vẻ mặt khác nhau như mặt ngựa, mặt chim, nhìn chung có nét hung dữ, kỳ quái như đầu có nhiều mặt. Ngoài cùng là 2 pho tượng đá cùng phong cách 2 pho tượng đá ở tòa Trung đường. Hiện nay, đền Trấn Vũ còn thờ ghép cả Thánh Linh Lang Đại vương (do ngôi đình của làng bị đổ). Ngoài ra, đền còn lưu giữ được 4 bia đá cổ ghi sự tích, trùng tu đền Trấn Vũ; 1 bộ ván in của Đạo giáo, hệ thống hoành phi, câu đối tả cảnh đẹp của đền, ca ngợi công đức của Thánh Trấn Vũ, ngai, bài vị và kiếm lệnh có phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII.
Tiếp đó, thầy và trò nhà trường tiếp tục đến tham quan đình Thổ Khối. Đình Thổ Khối nằm tại ven đê thuộc hữu ngạn sông Hồng. Đình Thổ Khối đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
“Thổ Khối” giải nghĩa theo Hán Việt có nghĩa là khối đất được liên kết chặt chẽ và bền vững. Chính mảnh đất này trải qua năm tháng của lịch sử đã trở thành một làng quê thân thương.
Theo lời kể của dân Thổ Khối thì vào thời Lê (thế kỷ XV-XVIII) có ông Đào Duy Chinh (Trình) vốn người huyện Tống Sơn, phủ Thanh Hoa (Thanh Hóa) đến vùng bãi bồi này lập thành ấp Vạn Thổ. Về sau dân cư ngày càng đông đúc lập thành làng Thổ Khối. Khi người họ Đào qua đời, dân làng Thổ Khối ghi nhớ công ơn khai sinh lập ấp, bèn thờ làm Thành hoàng trong đình.
Một tích khác kể rằng, ông là người Thổ Khối, huyện Tống Sơn, phủ Thanh Hoa (Thanh Hóa) đến vùng bãi bồi này làm ăn sinh sống. Ông có công giúp vua Lê thoát nạn, sau đó được triều đình cho phép kiểm soát thuyền bè qua lại nơi đây. Nếu có bị vỡ đê, lũ lụt thì được phép viện binh cứu hộ từ Tuần Phủ Thái Bình đến Tuyên Quang. Sau khi ông mất, dân làng thờ ông làm Thành hoàng và được triều đình phong sắc.
Lại còn sự tích nữa kể rằng, sinh thời ông là người có đức hạnh, làm nghề ngư nghiệp bằng thuyền. Một đêm, Thần báo mộng cho ông hay, sáng sớm hôm sau nên chở thuyền ra sông đón vua. Ông tuân theo và quả nhiên khi bơi thuyền tới giữa dòng sông thì gặp vua chạy loạn tới. Ông rước vua qua sông bình yên. Sau này khi ông mất, được phong làm Thành hoàng làng. Vua còn trả ơn, miễn cho người dân Thổ Khối có việc sang qua sông Hồng từ Bát Tràng đến bến đò Dâu không phải trả tiền đò.
Đình Thổ Khối thờ 6 vị thành hoàng làng là: Bố Cái đại vương, Cao Sơn đại vương, Linh Lang đại vương, Bạch Đa đại vương, Dị Mệ đại vương và Đào thành hoàng
Đình Thổ Khối được xây trên một khuôn viên rộng lớn có nhiều cây lưu niên. Mặt đình nhìn ra sông Hồng ở hướng tây qua một hồ bán nguyệt, xưa kia hồ cung cấp nước cho cả làng, dân không có giếng riêng. Sân đình rất rộng với 2 dãy tả hữu vu hai bên. Phía bắc có nhà bia và đền Xuân Dung phu nhân, ở giữa là cổng cho ô tô ra vào. Phía nam có bậc thang rộng đi lên mặt đê, dưới sườn đê bên kia đường ĐT378 là ngôi chùa làng Thổ Khối, tên chữ Sùng Phúc Tự.
Đình Thổ Khối hiện nay là một kiến trúc khá đồ sộ gồm các dãy nhà nằm song song và nối với nhau bằng ống muống. Tòa tiền tế rộng 7 gian, xây 2 tầng. Tòa đại đình 5 gian 2 chái, cung ngoài 3 gian, hậu cung 3 gian.
Dân làng Thổ Khối tổ chức lễ hội mùa xuân theo truyền thống vào 3 ngày 8, 9, 10 tháng 2 âm lịch hàng năm, mồng 9 là chính hội. Mở đầu hội là lễ rước nước từ giữa sông Hồng về đình, trên đoạn đường gần 2km. Làng có 6 giáp nên mỗi năm các giáp phải xin âm dương để xác định giáp nào được đảm nhận vinh dự này. Xưa kia cứ 3 năm thì mở hội lớn một kỳ, nay 5 năm một lần.
Khoảng 11h, các em học sinh trở về trường để tiếp tục buổi học. Buổi tham quan đã giúp các em học sinh tìm hiểu thêm về những truyền thống văn hóa tốt đẹp của quê hương, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước!
Một số hình ảnh tại buổi tham quan:
Thầy trò nhà trường dâng hương tại đền Trấn Vũ
Thầy trò nhà trường dâng hương tại đền Trấn Vũ
Tìm hiểu các thông tin về ngôi đền cổ
Tham quan và học tập tại đình Thổ Khối
Tham quan và học tập tại đình Thổ Khối