Nhân ngày nhà giáo Việt Nam, chúng ta cùng nhau suy nghĩ về nghề nghiệp, cùng nhau suy nghĩ để hành động trong bối cảnh mới, để cùng nhau bước tiếp trên con đường vinh quang cùng nhiều thách thức phải vượt qua.
Năm học đặc biệt 2020-2021, đại dịch Covid- 19 đã gây tổn thất nặng nề cho thế giới, cho đất nước, trong đó có ngành giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học đã chuyển trạng thái mới, chúng ta đã vượt qua thách thức này bởi sự chủ động, sức chống chịu của cả hệ thống, bởi sự đoàn kết của đội ngũ nhà giáo, bởi trách nhiệm người thầy và lương tâm nghề nghiệp đã tạo ra sức mạnh nội lực mới. Đây cũng là phép thử về lòng kiên trì, đức hy sinh và năng lực cống hiến của các nhà giáo.
Tiêu chuẩn "Nhà giáo mới" là người "Phải làm chủ được môi trường công nghệ thông tin và truyền thông mới, đồng thời phải chuẩn bị về mặt tâm lý cho một sự thay đổi cơ bản về vai trò của họ".
Phía trước còn nhiều thách thức, với bổn phận của nhà giáo, chúng ta hãy cùng nhau chia sẻ để bước tiếp. Theo tôi, có 3 vấn đề cần quan tâm:
Nhà giáo phải chủ động thích nghi với 2 sự thay đổi lớn
Mục tiêu giáo dục, Luật giáo dục số 43 ban hành năm 2019 đã có sự thay đổi rất quan trọng: "Mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam…".
Đây là điểm rất khác biệt với mục tiêu cũ là "đào tạo con người toàn diện". Sự thay đổi lớn này đã tiếp cận xu hướng quốc tế - giáo dục khai phóng, đề cao giá trị con người, là thực hiện lời dạy của Bác Hồ từ 1945: "Một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em".
Với tư tưởng phát triển toàn diện con người, giáo dục gia đình, giáo dục xã hội là thành phần hữu cơ trong quan hệ với giáo dục nhà trường. Giáo dục nhà trường không thể đơn độc trong việc quyết định chất lượng con người. Nhà trường là nơi tạo môi trường sáng tạo, nhân cách phải do chính con người quyết định.
Cách hiểu cũ về giáo dục chỉ trong phạm vi nhà trường (một chương trình, 1 sách, 1 giáo viên, 1 cách điểm số và trong một không gian cụ thể…) vì thế người dạy sẽ độc tôn, nội dung phải đủ đầy "toàn diện" dẫn đến quá tải, dẫn đến phải giống nhau ở đầu ra.
Thay đổi đầu tiên là giáo dục mở, trước hết xuất phát từ con người, cho con người và vì con người. Giáo dục mở đã tạo ra những suy nghĩ khác: Người dạy không duy nhất là giáo viên, người học không nhất thiết phải cùng độ tuổi, học liệu không hẳn là sách giáo khoa, kết quả học không chỉ là điểm số, lớp học không đồng nhất là không gian, thời gian cụ thể…
Quan niệm về việc học cũng phải thay đổi, chẳng hạn, tại sao chỉ khi đến trường mới là đi học? Ứng dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet cho vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud) cùng trí tuệ nhân tạo (AI)…sẽ giúp chúng ta có câu trả lời.
Trong xã hội số, cũng xuất hiện quan điểm quá đề cao yếu tố kĩ thuật công nghệ, xem nhẹ yếu tố con người. Tuy nhiên chúng ta cần lưu ý rằng khái niệm công nghệ, chỉ gồm 1 yếu tố kĩ thuật (Technology), còn 3 yếu tố là: nguồn lực người (Human); nguồn lực thông tin (information); nguồn lực tổ chức (organization). "Công nghệ - đó là quá trình mà trong đó, khoa học và công nghệ được truyền bá thông qua hoạt động của con người " (H.Brooks).
Như vậy, nhân tố con người, nguồn lực con người trong cấu trúc năng lực kĩ thuật vẫn là trọng tâm. Trong giảng dạy trực tuyến vừa qua, liệu chúng ta có tìm thấy cơ hội gì trong đó, liệu có nên đặt ra nhu cầu tiếp cận giáo dục quốc tế từ chuyển đổi số? Trí tuệ nhân tạo sẽ giúp sinh viên học hỏi từ bất cứ nơi nào trên thế giới.
Tuyển dụng nhân viên quản lí có cần nữa không khi AI sẽ hỗ trợ giảng viên chấm điểm, dạy kèm, phần mềm giáo dục, cải thiện tình hình học tập theo tốc độ riêng của mình, theo dõi sự tiến bộ của người học. Đây là cơ hội lớn mà chúng ta không thể bỏ qua. Như vậy, giảng viên đại học cần nhận diện đúng bản chất của 2 vấn đề trên để tăng sự tự tin và thích nghi với sự thay đổi ấy.
Giảng viên cần tăng tốc độ kết nối
Chúng ta có quyền tự hào về môi trường truyền thống nhưng rất cần tập trung suy nghĩ có trách nhiệm về tương lai, tìm cách vượt qua những thách thức chưa từng có.
Không chỉ nhìn vào gương chiếu hậu để tiến lên phía trước. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trước mắt là chuyển đổi số, đòi hỏi giảng viên cùng nhà trường phải chuyển đổi suy nghĩ, thay đổi cách làm, chủ động tạo ra một môi trường sáng tạo.
Chỉ trong môi trường thật sự dân chủ, trí tuệ và phản biện, thì cái mới sẽ xuất hiện. Chúng ta cần duy trì cảm hứng sáng tạo để có thể hấp thụ được những tinh hoa của thời đại.
Khi công nghệ hiện đại đang xâm lấn mọi ngõ ngách của cuộc sống, kể cả trí não của con người, thì vai trò của người giảng viên lại càng phải đặt vào vị thế quan trọng nhất từ trước đến nay. Chúng ta sẽ thất nghiệp với cách dạy cũ; nhưng xã hội và người học rất cần những người thầy với phẩm chất như UNESCO khuyến cáo từ 20 năm trước.
Tiêu chuẩn "Nhà giáo mới" là người "Phải làm chủ được môi trường công nghệ thông tin và truyền thông mới, đồng thời phải chuẩn bị về mặt tâm lý cho một sự thay đổi cơ bản về vai trò của họ".
Chất lượng là sống còn của trường đại học, sự đứt gãy dòng người trong tuyển sinh đại học sẽ được khắc phục cũng bởi chất lượng, nhưng điều chúng ta lo sợ hơn là sự đứt gãy về hiểu biết, về sức sáng tạo. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định 3 đột phá chiến lược, trong đó đột phá đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đang đòi hỏi trường đại học phải tạo nền tảng cho người học: năng lực tư duy sáng tạo, ngoại ngữ và công nghệ, sẽ giúp họ trở thành công dân toàn cầu.
Những tư tưởng mới của nhân loại phải được thấm nhanh vào chương trình giáo dục đại học, trong bài giảng, ở mọi khâu hoạt động của nhà trường. Thời gian cần rút ngắn, tập trung dạy ý tưởng sáng tạo và dành thời gian để người học sử dụng phần mềm với các kĩ năng cụ thể.
Người học sẽ đến trường đại học bởi sức hấp dẫn của trí tuệ, tìm cơ hội phát triển dù ở bất kể không gian và thời gian nào. Trong xã hội số, chúng không được phép chậm, tốc độ nhanh và đạt chuẩn quốc tế sẽ giúp chúng ta tồn tại. Nguy cơ hiện hữu là rô-bốt sẽ thay thế chúng ta, nếu chỉ đọc - chép.
Do vậy, yếu tố nền tảng của trường đại học là sáng tạo, nơi dẫn dắt các thế hệ tiếp nối để tiếp tục sáng tạo tri thức, phát triển văn hóa, nơi đề cao trách nhiệm làm thầy và trân trọng các giá trị của con người.
Chúng ta hãy dựa trên nền tảng số để cùng nhau tạo ra lĩnh vực học tập mới, hình thành năng lực cho sinh viên. Điều gì kết nối giữa các trường thành viên trong đại học của chúng ta nếu không phải vì người học? Công nghệ sẽ được đầu tư nhanh và có thể phủ ngay vùng lõm, nhưng yếu tố nào có thể khỏa lấp băn khoăn để tăng khả năng kết nối khi vẫn còn cập kênh giữa chờ đợi và lợi ích? Vừa qua, trong dạy học trực tuyến chúng ta đã hoàn thành chương trình, nhưng vẫn băn khoăn về chất lượng, về kết nối thực và ảo, về so sánh quốc tế và khả năng thấu hiểu và chinh phục của mỗi giảng viên đã được kiểm nghiệm ít nhiều.
Hãy để người học dù ở đâu cũng được thụ hưởng những bài giảng hay, những ý tưởng sáng tạo mới mẻ phải được thắp sáng…đây là một trong đích đến của giáo dục thời đại 4.0.
Từng giảng viên cần đặt mình trong thế giới phẳng để khẳng định chỗ đứng riêng của mình; tìm đến những việc không ai có thể thay thế được mình, và sẵn sàng thắp sáng người khác. Cùng với sáng tạo cái mới là thái độ tôn trọng sự khác biệt, học hỏi để đi cùng nhau, thậm chí cùng tìm một lối rẽ khác trong bối cảnh mới, đó chính là văn hóa trong kỉ nguyên số.
Ngày nay, nếu để lựa chọn, người học sẽ chọn môi trường giáo dục sáng tạo ở những nơi tiên tiến - đây là xu hướng tất yếu. Khoảng cách và không gian địa lí sẽ được giải quyết bằng công nghệ mới. Giá trị lớn của trường học là để người học được tiếp cận với nhiều người giỏi và điều thiệt thòi lớn nhất của người đi học là không được học những người thầy ấy. Trường đại học của chúng ta phải là trung tâm sáng tạo, là nơi nuôi dưỡng những nhân cách văn hóa.
GS.TS. Phạm Hồng Quang - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Thái Nguyên.
Trách nhiệm của người thầy
Trong khuyến nghị của UNESCO đã nhấn mạnh sự thay đổi của người thầy tập trung vào 8 vấn đề năng lực trong đó nhấn mạnh: phải đảm nhận nhiều chức năng khác hơn so với trước, có trách nhiệm nặng hơn trong việc lựa chọn nội dung dạy học và giáo dục; tổ chức việc học của học sinh; coi trọng hơn việc cá biệt hóa học tập; sử dụng rộng rãi hơn những phương tiện dạy học hiện đại; hợp tác rộng rãi với các giáo viên, cha mẹ học sinh; hoạt động xã hội trong và ngoài trường…
Đồng thời, trách nhiệm của người thầy thể hiện ở 5 lĩnh vực: Trách nhiệm với học sinh, với xã hội, với nghề nghiệp, với việc hoàn thành tốt công việc; Trách nhiệm đối với các giá trị cơ bản của con người.
Những tổng kết của UNESCO từ vài chục năm trước, nay vẫn nguyên giá trị bởi dù thay đổi bối cảnh, thách thức lớn, đặc trưng văn hóa các quốc gia dân tộc khác nhau về điều kiện, về sắc thái nhưng kết đọng lại ở 3 chữ: năng lực cống hiến, sức sáng tạo và trách nhiệm của người thầy.
Môi trường giáo dục sẽ ra sao nếu không có nhiều người thầy có trách nhiệm? Quản trị đại học hiện đại phải có trách nhiệm khai phóng người thầy bằng các chính sách, đặc biệt là chính sách nhà giáo; xây dựng và phát triển môi trường giáo dục để từng giảng viên có trách nhiệm cao với công việc của mình. Có như vậy, mới duy trì được niềm cảm hứng bất tận của người thầy đối với sự nghiệp trồng người.
Chúng ta tự hào vì có nhiều thầy cô tâm huyết, trách nhiệm với sự nghiệp, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng phẩm chất cống hiến đã trở thành lẽ sống tự nhiên.
Sáng tạo chính là trở lại nguyên lí cơ bản của việc học.
Giáo dục với 3 câu hỏi lớn?
Giáo dục sáng tạo ra con người - con người sáng tạo cái gì?
Mục tiêu giáo dục đã thay đổi, "phát triển toàn diện con người" sẽ đem lại hạnh phúc cho con người. Giáo dục khai phóng là xu thế tất yếu. Việc phát minh ra máy hơi nước của Giêm-oát thế kỉ 18 đã làm thay đổi từ "nguyên lí thô sơ" sang "nguyên lí máy". Nhưng nếu chỉ tôn thờ nguyên lí sẽ dẫn đến xơ cứng, dẫn đến lối tư duy máy móc, giáo điều. Cái cần hơn chính là lối "tư duy ngược".
Bởi khi dùng điện thoại thì phải có dây, khi vẽ đoàn tàu thì phải có bánh, nguyên lí hàng trăm năm ổn định sẽ không giúp ra đời điện thoại di động và tầu chạy trên đệm từ…Nếu chỉ loay hoay cải tiến đèn dầu thì không thể phát minh ra đèn điện. Có lối tư duy như vậy mới có thể đẩy nhanh tốc độ từ 3.0 đến 4.0.
Ở lĩnh vực nhân văn, việc "phát minh", sáng tạo chính là trở lại nguyên lí cơ bản của việc học. Nhiều thế kỉ trước, mục tiêu học là để "chiến thắng, chinh phục thiên nhiên…" nếu cẩn trọng từ đầu, các đời sau sẽ không phải mất hàng trăm năm để nhận thức và chữa lại: "chúng ta cần học cách sống hòa điệu với thiên nhiên".
Giáo dục đại học chuyển sang đại chúng thì liệu có tinh hoa?
Khi giáo dục đại học đang bị phê phán rằng, điểm chuẩn thấp và xã hội lo ngại về chất lượng nhân lực thì cũng cần bình tĩnh để "nghĩ lại" một chút. Có thể trong số những người có điểm chuẩn thấp ấy, họ "lang thang" trong môi trường sáng tạo, biết đâu sau có người trở thành có ích cho xã hội nhiều hơn những người có đầu vào, đầu ra đều xuất sắc? Bởi hiệu quả và thước đo chất lượng ở công việc sau này chứ không từ bằng cấp.
Nếu kì thị với một sinh viên với chuẩn đầu vào không cao, thậm chí không ăn ngủ sinh hoạt theo nề nếp kỉ cương nhà trường, ưa phản đối giảng viên và hay nói ngược…biết đâu được trong tương lai họ là người xuất chúng? Bởi vậy, hãy tôn trọng sự khác biệt và nên khuyến khích nó.
Giáo dục đại học đáp ứng nhu cầu xã hội hay dẫn đường xã hội?
Sự thành công hay thất bại của giáo dục đại học đều có nguyên nhân mang tính lịch sử. Trong khi chúng ta có thể ngạc nhiên về cụm từ "giáo dục phi lợi nhuận" thì bản chất sâu xa của giáo dục đại học vẫn cần hiểu đúng. Nếu nhu cầu xã hội của một xã hội thấp thì trình độ giáo dục không cần đến giáo dục đại học. Nhưng đã là trường đại học thì phải cho xứng với vị trí khai sáng và dẫn đường xã hội, dù giáo dục ở cấp độ nào cũng phải là "vầng trán của cộng đồng" (như lời của J. Rút-xô).
Người học phải được làm việc trong môi trường sáng tạo, để người học suy nghĩ trong những tình huống giáo dục, tương tác với bạn bè, với người thầy và thế giới. Trong khi chúng ta mới chỉ bắt đầu nhận ra những câu hỏi khô cứng trong kì thi trắc nghiệm với điểm thi các môn học để so bì cao thấp…mà chưa tìm đúng bản chất của giáo dục, thực chất là năng lực văn hóa đang cần có cách tiếp cận khác.
Việc gieo vào đầu người học những câu hỏi lớn, vấn đề lớn có thể phá vỡ quy tắc "vừa sức" trong dạy học trong đánh giá, nhưng sẽ là sự vĩ đại của giáo dục khi vấn đề đó được người học theo đuổi. Giảng viên đại học lại cần thấm câu nói của Anhxtanh: "Nêu vấn đề quan trọng hơn giải quyết vấn đề". Bởi, người nêu vấn đề không nhiều, trong khi có nhiều người có thể giải quyết được vấn đề. Chúng ta -những giảng viên đại học hãy cố gắng là số ít ấy.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng khẳng định: "Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo".
Như vậy, phải chăng kết quả "sáng tạo ra những con người sáng tạo" sẽ là tiêu chỉ cơ bản để khẳng định trường học, để khẳng định chúng ta xứng đáng để được xã hội tôn vinh.