Con phát bệnh vì áp lực từ bố mẹ
Con trai anh chị 15 tuổi, từ nhỏ và ngay lúc này – khi đưa con đến phòng khám điều trị tâm lý – họ vẫn tự hào con mình như con… tây bởi tầm vóc cao to. Từ trước lúc mang bầu cháu chị đã quyết tâm “cải tạo” tướng nhỏ con của hai vợ chồng bằng dinh dưỡng. Đến khi “quý tử” chào đời, chị nghỉ việc, nhà thuê thêm hai giúp việc chuyên phục vụ chuyện ăn uống của con.
Con có cân nặng, chiều cao luôn vượt chuẩn với chị là một kỳ tích phải đánh đổi bằng nước mắt và cả… vũ lực. Khi mới 3 tháng tuổi, con chị đã chống đối chuyện ăn uống. Hết làm trò, chị và giúp việc hợp sức đè ngửa con ra, bóp miệng đổ cháo sữa, ăn đủ lượng mới thôi. Đến lúc cháu học cấp 2 chị vẫn phải dỗ ăn từng bữa cháu mới được như vậy.
Phụ huynh ở TPHCM đưa con đến "thử sức" trong một chương trình tính nhẩm siêu nhanh (Ảnh: Hoài Nam)
Đến chuyện học hành, 3 tuổi cháu đã được học tiếng Anh. Hàng ngày, ngoài giờ học ở trường, nhà chị có gia sư đến tận nhà kèm cặp. Suốt ngày, con anh chị chỉ quanh quẩn hai việc chính là ăn và học. Chị đặt mục tiêu con học thật giỏi, nói ngoại ngữ nhoay nhoáy để sau này đi du học. Năm nào con tụt hạng là chị mất ăn mất ngủ, còn đứa con thì khổ sở với sự thất vọng của mẹ.
Đến năm lớp 8, con trai anh chị bắt đầu có những biểu hiện bất thường như hay nhốt mình trong phòng, đến lớp ngồi ru rú một góc hoặc bất ngờ đánh người. Cháu bỏ học, nhiều lần bỏ nhà đi lang thang ngủ ngoài đường phố, anh chị mới tả hỏa đưa con đến phòng khám tâm lý.
Ban đầu người mẹ không tin khi bác sĩ nói con chị bị tâm thần và phải điều trị lâu dài. “Con tôi đâu thiếu thốn gì, muốn gì cũng có, cao to đẹp trai, học hành giỏi giang…, sắp tới phải vào trường chuyên Lê Hồng Phong. Sao lại có thể tâm thần?”.
Những chỉ số có thể cân đo đong đếm được trong nuôi dạy con được đang được nhắc đến hàng ngày, thậm chí hàng giờ. Các bà mẹ có con nhỏ, gặp nhau kiểu gì cũng hỏi con chị bao nhiêu ký, cao bao nhiêu? Chết vì còi cọc đâu chưa thấy nhưng tinh thần nhiều đứa trẻ bị hoảng loạn mỗi khi nhìn thấy cái cân rồi bị cha mẹ ép ăn, ép uống.
Con lớn hơn thì họ quan tâm con học trường nào, điểm số bao nhiêu. Bao nhiêu năm chúng ta đã quá quen thuộc khi đón con ở cổng trường câu đầu tiên bố mẹ hỏi con là “Hôm nay bài làm mấy điểm?”. Trong khi con trẻ luôn phát ra những tín hiệu vui, buồn, giận, lo lắng, phấn khích… cần được hỏi han, chia sẻ thì phải “nuốt” hết vào trong. Chẳng khác nào một liều thuốc độc ngấm từng ngày.
Áp lực học hành, thi cử và kỳ vọng từ cha mẹ đến mức con trẻ… hóa điên hóa khùng là chuyện đã được nhắc đến nhiều năm nay. Có những em học sinh là con ngoan trò giỏi, là lớp trưởng “cầm đầu” trong việc tổ chức đánh bạn bè; nhiều em học giỏi, gia đình có điều kiện với một tương lai tưởng như rải thảm dưới chân bỗng nhiên hóa điên hoặc chọn cái chết đã không còn là vài ba trường cá biệt.
Bỏ quên giáo dục tâm hồn
Chỉ cần con sổ mũi, ho, hay không tăng cân là ông bà, bố mẹ tất tả xách đi viện. Họ quan tâm con tôi nặng bao nhiêu, phát triển thể chất, trí tuệ thế nào, còn vấn đề phát triển tâm lý, con trẻ vui buồn ra sao, liệu đang có những bất ổn… lại không mấy ai chú ý.
Bác sĩ Lâm Hiếu Minh (bệnh viện Tâm thần TPHCM) từng cảnh báo trước ngành giáo dục thành phố về tình trạng các phòng khám tâm thần nhi quá tải, bác sĩ làm việc không xuể. Và đặc biệt, hầu hết các ca học trò có vấn đề về sức khỏe tâm thần thường được phát hiện và xử lý khi đã muộn, vấn đề đã rất nghiêm trọng.
Chúng ta đang đối diện với nhiều hậu họa khủng khiếp khi nuôi dạy con theo thành tích, bỏ rơi giáo dục tâm hồn? (Ảnh: Hoài Nam)
Nói về những bất ổn trong đời sống xã hội hiện nay và đặc biệt là ở giới trẻ như cư xử bạo lực, vô cảm, lạnh lùng đến vô nhân tính, GS Vũ Gia Hiền bộc bạch đó là hậu quả giáo dục đang điên cuồng chạy theo các chỉ số thông minh, mọi người ai cũng chạy theo lý trí để khẳng định mình tài giỏi, mình hơn người.
Còn các chỉ số cảm xúc, những vun vén về tâm hồn, lòng yêu thương, lễ nghĩa… không được bố mẹ quan tâm đúng mức. Mà khi tâm hồn không được chăm sóc, vun tưới hàng ngày thì cảm xúc con người sẽ không có. Và khi đó, các em sẽ vô cảm không chỉ với người khác mà với chính với bản thân mình.
Hiệu trưởng một trường ngoại khóa ở TPHCM chia sẻ, bố mẹ đang bị cuốn theo “phần nổi” trong nuôi dạy con. Các chương trình tiệc tùng, lễ hội, thi thố phụ huynh rất thích tham gia để chụp ảnh, để khoe con. Nhưng các buổi gặp gỡ để trao đổi hiểu rõ hơn về đứa con, để biết đứa trẻ cần gì thì… năn nỉ mấy cũng chỉ lác đác vài người có mặt.
Chẳng phải tự nhiên mà giờ đây nhiều bạn trẻ lao như con “thiêu thân” trên mạng xã hội. Ở đó, chúng ta bắt gặp vô cùng nhiều trạng thái cảm xúc, suy nghĩ, tâm trạng của các em… Ở thế giới thực các em đang phải chạy theo các con con số, thành tích của người lớn đặt ra mà nếu không đạt được sẽ chê bai, phán xét, chỉ trích. Nhiều phụ huynh đánh đồng con không học giỏi thì không ngoan. Và dường như sự chia sẻ, thấu cảm các em lại chỉ có thể “trút” ở trên thế giới ảo bất chấp bao nhiêu hiểm họa khó lường?
Những chỉ số bề ngoài giúp con trẻ vượt trội, trong khi những thể hiện về tinh thần, tâm hồn lại không thể đong đếm để so đo. Sức khỏe tinh thần, tâm hồn con trẻ là liều thuốc để các em sống nhân văn, sống vững vàng nhưng lại ít được chăm sóc, vun vén. Trong khi, yếu đuối về tinh thần giết con người nhanh hơn bất cứ bệnh tật nào về thể chất – nhất là trong môi trường sống nhiều áp lực như hiện nay.