Cuộc thi do Bộ GD-ĐT phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Công ty Honda Việt Nam tổ chức, gồm 2 nội dung thi dành cho học sinh cấp THCS, THPT và giáo viên cấp THCS, THPT. Thí sinh dự thi với các vòng thi trả lời trắc nghiệm về kiến thức an toàn giao thông, Luật Giao thông đường bộ và câu hỏi tự luận, viết bài tìm hiểu kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn; các giáo viên có thêm phần thi về xây dựng kế hoạch bài dạy và dạy thử nghiệm theo nội dung tài liệu Ban tổ chức cung cấp. Cuộc thi diễn ra đến ngày 21-1-2022. Giáo viên và học sinh tham gia thi trực tuyến bằng cách trả lời câu hỏi và đính kèm bài tự luận trên website
giaoducatgttrongtruonghoc.com.vn.
Ngay khi học sinh vừa kết thúc kì thi cuối học kì 1, các thầy cô giáo chủ nhiệm, ban phụ trách Đoàn Đội nhà trường đã phổ biến thể lệ dự thi và phát động tới toàn thể các em học sinh trong nhà trường. Trong những ngày vừa qua, học sinh các lớp dưới sự hướng dẫn của thầy cô đã tiến hành dự thi trên website
giaoducatgttrongtruonghoc.com.vn. Bài thi gồm 2 phần : Trắc nghiệm (10 câu) và tự luận trình bày những giải pháp về nâng cao kĩ năng tham gia giao thông an toàn. Các thầy cô giáo cũng tích cực tham gia dự thi.
Lớp 9C được GVCN hướng dẫn dự thi "ATGT cho nụ cười ngày mai"
Đây không chỉ là phong trào chung của ngành, của thành phố mà còn là cuộc thi bổ ích, góp phần giúp học sinh và giáo viên nâng cao hiểu biết về an toàn giao thông, nhắc nhở mọi người tham gia giao thông đúng luật, đúng qui định, đảm bảo an toàn. Vòng chung kết và lễ trao giải dự kiến vào tháng 3/2022.
Một số thông tin tham khảo về cuộc thi :
“ATGT cho nụ cười ngày mai” là chương trình giảng dạy về ATGT cho học sinh khối trung học do HVN phối hợp với Vụ Giáo dục Trung học – Bộ GD&ĐT và Ủy ban ATGT Quốc gia triển khai bắt đầu từ năm 2011 với mong muốn trang bị cho các em kiến thức về luật giao thông đường bộ cũng như những kỹ năng tham gia giao thông an toàn, từ đó hình thành văn hóa giao thông, ý thức tuân thủ Luật pháp nói chung và Luật giao thông nói riêng. Chương trình được triển khai với hai đối tượng: học sinh THPT (bắt đầu từ năm 2011 tại 5 tỉnh thành và mở rộng đến 63 tỉnh thành tính từ năm học 2016 - 2017) và học sinh THCS (bắt đầu từ năm 2017 tại 10 tỉnh thành và sau đó mở rộng đến 52 tỉnh thành vào năm học 2020 - 2021). Qua các năm, chương trình không ngừng được nhân rộng ra các địa phương với nhiều đánh giá tích cực từ các cơ quan Chính phủ, các sở giáo dục cũng như giáo viên và học sinh trong cả nước. Năm học 2020 – 2021 vừa qua, chương trình tiếp tục được duy trì triển khai tại 63 tỉnh/thành phố cấp THPT và 52 tỉnh/thành phố cấp THCS với kết quả đào tạo cho hơn 2,7 triệu học sinh cấp THPT và hơn 5,1 triệu học sinh cấp THCS.