“Chương trình Tiếng Anh lớp 9 là một hệ thống kiến thức đa dạng, để việc ôn tập dễ nhớ và đạt hiệu quả cao, học sinh tiếp cận kiến thức lần 1 nghĩa là tìm hiểu đọc kỹ bài trước khi đến lớp, việc này giúp học sinh dễ dàng tiếp cận kiến thức lần 2 qua việc nghe giảng kỹ để hiểu bài ngay trên lớp.
Tiếp cận kiến thức lần 3 là khi các em làm bài tập về nhà, sau đó đối chiếu kết quả tự làm với kết quả mẫu và các bước hướng dẫn của giáo viên, để từ đó tự rút kinh nghiệm, ghi nhớ những phần kiến thức trọng tâm.
Ngoài ra, các em nên tìm tòi nghiên cứu các dạng bài tập tương tự đồng thời tiến hành đúng theo các bước, các kỹ thuật hoặc thủ thuật đã được hướng dẫn trên lớp để ôn luyện.
Ôn tập đúng cách
Học sinh cần chú trọng rèn luyện các kỹ năng nghe nói, đọc viết. Trước hết, luyện tập kỹ năng nghe và nói mỗi ngày sẽ giúp các em có khả năng ghi nhớ từ và có cách phát âm cũng như xử lý tình huống tốt hơn. Sau đó, rèn kỹ năng đọc và viết sẽ giúp nắm vững kiến thức trọng tâm cũng như viết ngữ pháp câu chuẩn xác nhất.
Việc rèn kĩ năng ngôn ngữ quan trọng song song với việc tiếp nhận kiến thức từ vựng, ngữ pháp mới, cần tham khảo những bài thi thử vào lớp 10 môn tiếng anh của các trường những năm trước.
Về từ vựng, các em nên học từ vựng theo từng chủ đề của sách giáo khoa đã và đang học, cần nắm chắc từ vựng theo chủ điểm như: Động từ chỉ hoạt động thường ngày (everyday verbs), tính từ phổ biến (common adjectives), cấu tạo từ (word formation), kết hợp từ (collocations), từ đi với giới từ (word and prepositions), cụm động từ hai thành phần (phrasal verbs), những từ hay nhầm lẫn (confusing words), từ đồng nghĩa và trái nghĩa (synonyms and opposites).
Phần ngữ pháp, cần nắm vững các chủ đề ngữ pháp trong sách giáo khoa như: Mẫu câu cơ bản (basic sentence patterns), cấu trúc câu sử dụng tính từ (structure with adjective), động từ nguyên thể (infinitives) và danh động từ (gerunds), các dạng so sánh của tính từ (comparison of adjectives) phân từ quá khứ và phân từ hiện tại (past and present participles), giới từ chỉ thời gian, địa điểm, giới từ đi với tính từ…
Các thì của động từ (verbs tenses), những cấu trúc câu sử dụng thì của động từ (structure with verbs tense), động từ tình thái (modal verbs), câu hỏi đuôi (tag question), câu điều kiện (conditional sentences), đại từ và mệnh đề quan hệ (relative pronouns/clause), liên từ trong câu phức (conjunction to link ideas), câu bị động (passive voice), câu gián tiếp (indirect).
Sau khi đã nắm vững những kiến thức cơ bản thì việc luyện giải đề thi mẫu mỗi ngày cũng giúp học sinh có thêm kiến thức cũng như kỹ năng nhận định câu hỏi và làm bài thi.
Đề thi thử và đề thi chính thức khá tương đồng về độ khó và cấu trúc đề thi, vì vậy đây là một cách tốt nhất để các em vừa có cơ hội vận dụng những kiến thức đã học, vừa có thể làm quen với cấu trúc đề thi.
Nhưng việc giải đề thi chỉ nên thực hành mỗi ngày một chút, nên bắt đầu từ những đề thi đơn giản, sau đó tăng dần độ khó. Việc giải đề sẽ các em làm quen với các “bẫy” thường gặp trong bài thi, đồng thời đây cũng là cách tích hợp tất cả những kiến thức đã học.
Khi giải đề, các em cố gắng làm trong thời gian quy định của bài thi và phân bổ thời gian hợp lý cho từng phần. Sau khi làm bài xong có thể nhờ bạn hoặc thầy cô chấm bài để tự đánh giá kết quả.
Ngoài ra có thể tìm thêm những cuốn sách hướng dẫn giải đề như: Bí quyết tăng nhanh điểm kiểm tra tiếng anh 9, đột phá 9+ môn tiếng anh kỳ thi vào lớp 10 trung học phổ thông…xem các video hướng dẫn cách giải đề”.
Lưu ý để làm bài tốt
Cần phải bám sát cấu trúc đề, hiểu rõ từng phần phải làm gì và kỹ năng làm từng dạng bài đó, hay nói cách khác là đọc kĩ yêu cầu đề bài và làm đúng theo yêu cầu.
Tự luận là phần dễ mất điểm nhất, ngoài việc học kỹ cấu trúc, học sinh cần phải viết lại câu cẩn thận với độ chính xác tuyệt đối, chỉ cần thiếu dấu ‘,’, dấu ‘?’, thiếu ‘s’... cũng làm các em mất điểm.Học sinh nên chọn những dạng bài mình có thế mạnh để làm trước, nên vận dụng tối đa kỹ năng phán đoán (Prediction) cho tất cả các câu chưa chắc chắn, và cố gắng không để trống câu nào để tránh bị điểm liệt.
Học từ mới: Đối với những học sinh có kỹ năng đọc kém, các em nên làm bài đọc cuối cùng, vì nếu không hiểu nội dung sẽ dẫn tới việc mất quá nhiều thời gian cho loại bài này, đồng thời thiếu thời gian cho các bài khác.
Khi làm, các em nên gạch chân từ mới, từ then chốt trong câu hỏi và đáp án, sau đó mới tập trung suy nghĩ, đoán các đáp án sai (về ngữ pháp, ý nghĩa, hoặc cấu trúc) để tìm ra đáp án đúng nhất.
Bên cạnh đó, thí sinh cũng cần học thuộc các cấu trúc cơ bản: Cấu trúc viết lại câu của thì hiện tại hoàn thành; Cấu trúc “wish”, “if” (tập trung vào câu mong ước hiện tại hoặc tương lai, câu điều kiện loại 1 và loại 2) và cấu trúc “used to V/ get hoặc be used to Ving”... ; Cấu trúc trực tiếp - gián tiếp; Cấu trúc bị động, bao gồm cấu trúc “have something done” và “get something done”.
Sau khi làm xong, cần dành khoảng 5 phút để kiểm tra lại toàn bộ phiếu trả lời, thông tin cá nhân trước khi nộp bài, phòng trường hợp thiếu thông tin và tô thiếu đáp án”.