Xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch được biết đến là nơi có điều kiện kinh tế khó khăn nhất của tỉnh Quảng Bình.
Những bản làng ở đây nằm heo hút và lọt thỏm giữa núi rừng trùng điệp. Vì nơi đây biệt lập với bên ngoài nên cuộc sống của người dân chủ yếu là tự cung tự cấp. Các hệ thống giáo dục, y tế, điện, nước sạch... còn rất nhiều thiếu thốn và hạn chế.
|
Phụ huynh giúp thầy cô rào lại trường học để chuẩn bị cho năm học mới (Ảnh: H.T) |
Ở đây, trường học hầu hết được dựng bằng gỗ ghép, hàng rào của trường dựng bằng tre nứa. Vì vậy, đầu năm học nào thầy cô và phụ huynh cũng cùng nhau tu sửa hàng rào để chuẩn bị cho năm học mới.
“Các điểm trường ở đây chủ yếu rào bằng tre nứa nên cứ đầu năm học là người dân trong bản lại vào rừng tìm tre nứa về tu sửa. Cái nào còn dùng được thì tận dụng dùng tiếp, cái nào mục nát rồi thi thay mới.
|
Các điểm trường ở xã Thượng Trạch hầu hết đều rất xập xệ, tạm bợ (Ảnh: T.P) |
Người dân trong bản rất nhiệt tình. Chỉ cần mình thông báo là họ họp lại rồi cùng các thầy cô sửa hàng rào cho trường”, thầy Đỗ Hồng Thái, một giáo viên của trường Tiểu học số 2 Thượng Trạch cho biết.
Không chỉ tu sửa lại hàng rào cho trường học, người dân trong bản cũng vào rừng kiếm lá lợp lại nhà bếp cho các thầy cô giáo.
|
Các điểm trường đều được rào bằng tre nứa do người dân trong bản tự tìm (Ảnh: H.T) |
Theo các giáo viên ở đây, bản nào gần thì chỉ mất 2 ngày thì đã tu sửa xong, còn bản xa thì phải 3 ngày.
“Khi nghe các thầy nói chuẩn bị vào năm học mới nên cần phải rào trường lớp lại cho các cháu học, chúng tôi cùng họp lại bàn bạc, phân công nhau mỗi người một việc để giúp các thầy cô.
|
Phòng học và bàn ghế đều rất xập xệ, nhưng việc xây dựng trường học mới rất khó khăn vì có quá nhiều điểm lẻ(Ảnh: T.P) |
Tre nứa thì đi quanh quanh là có, nhưng lá lợp thì chúng tôi phải đi xa hơn. Có khi hết một ngày mới lấy đủ vật liệu về sửa trường lớp.
Chúng tôi ở gần rừng, đi rừng quen nên làm những cái này không thấy vất vả đâu. Chỉ mong giúp được các thầy cô để chuẩn bị cho năm học mới”, một người dân ở bản 61 cho biết.
|
Nhiều người dân không có con đang học, nhưng vẫn giúp các thầy cô rào lại trường lớp (Ảnh: H.T) |
Trường Tiểu học số 2 Thượng Trạch có tất cả 10 điểm trường, trong đó có 1 điểm trung tâm và 9 điểm lẻ. Phần lớn, phòng học ở các điểm trường lẻ còn rất thiếu thốn, xập xệ.
Từ lâu, học sinh và thầy cô nơi đây mơ ước có được phòng học vững chãi hơn. Tuy nhiên, do địa hình vùng núi có quá nhiều điểm trường nên việc xây dựng phòng học rất khó khăn.