Mùa tuyển sinh năm 2018-2019, Hà Nội giữ phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT là kết hợp xét tuyển học bạ THCS và thi hai môn Toán, Ngữ văn. Tuy nhiên, có một số thay đổi trong phương thức thi của trường ngoài công lập, cách cộng điểm khuyến khích, ưu tiên.
Chỉ cộng điểm khuyến khích cho chứng chỉ nghề
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT của Hà Nội năm nay duy nhất chứng chỉ nghề được cộng điểm khuyến khích: 1,5 điểm cho người xếp loại giỏi; 1 điểm cho người xếp loại khá và 0,5 cho loại trung bình.
Những năm trước, ngoài chứng chỉ nghề, học sinh Hà Nội khi tuyển sinh vào lớp 10 còn được cộng điểm khuyến khích cho thành tích đạt giải từ cấp tỉnh trở lên thi học sinh giỏi lớp 9 các môn văn hóa; thi viết thư quốc tế; giải toán trên máy tính cầm tay; Hội khoẻ Phù Đổng... Mức cộng điểm từ 0,5 đến 2.
Từ năm 2019-2020, việc tuyển sinh vào lớp 6 và 10 của các trường trong cả nước sẽ bỏ hoàn toàn cộng điểm khuyến khích, theo thông tư 5/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
|
Kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT của Hà Nội năm 2018-2019 có một số thay đổi.
|
Giảm mức điểm cho các đối tượng ưu tiên
Mùa tuyển sinh các năm trước, Hà Nội cộng 3 điểm ưu tiên cho con của liệt sĩ, con thương binh, bệnh binh có tỷ lệ mất sức lao động từ 81% trở lên. Năm nay, mức cộng điểm ưu tiên bị giảm, cao nhất là 1,5, mức điểm ưu tiên chênh lệch giữa hai nhóm đối tượng liên tiếp nhau là 0,5.
Trường hợp thí sinh có nhiều tiêu chuẩn ưu tiên thì chỉ được hưởng theo tiêu chuẩn cao nhất. (Chi tiết quy định cộng điểm ưu tiên)
Điểm của bài thi được làm tròn đến 2 chữ số thập phân
Hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2018-2019 của Sở Giáo dục và Đào tạo nêu rõ: Điểm thi là tổng điểm hai bài thi Ngữ văn và Toán (tính hệ số 2), chấm theo thang điểm 10, điểm lẻ của tổng điểm toàn bài được làm tròn đến 2 chữ số thập phân. Những mùa tuyển sinh năm trước, Sở quy định điểm bài thi lấy lẻ đến 0,25.
Cách tính mới này sẽ tạo công bằng hơn cho thí sinh khi đạt 9,13 điểm bị làm tròn về 9 hoặc 7,85 điểm được tăng tròn lên 8.
Trường ngoài công lập được xét tuyển
Năm học 2018-2019, Hà Nội cho phép các trường THPT công lập tự chủ tài chính, trường dân lập được tuyển sinh theo phương thức xét tuyển. Có hai phương án để các trường này lựa chọn là: xét tuyển dựa theo kết quả thi vào lớp 10 THPT công lập năm 2018-2019 và dựa trên kết quả rèn luyện, học tập của học sinh ở cấp THCS.
Trong phương án xét tuyển dựa theo học bạ THCS, điểm xét tuyển sẽ là tổng của điểm THCS và điểm cộng thêm. Trong đó, điểm THCS là tổng số điểm tính theo kết quả rèn luyện và học tập của 4 năm học cấp THCS, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó. (Cụ thể cách tính điểm THCS để xét tuyển).
Căn cứ vào số lượng nộp đơn đăng ký xét tuyển và chỉ tiêu, các trường sẽ lấy thí sinh có điểm xét tuyển từ cao xuống thấp cho đến khi đủ. Ngoài xét tuyển theo một trong hai phương án nêu trên, các trường ngoài công lập không được tổ chức thi hay sử dụng phương thức khác để tuyển sinh lớp 10.
Bỏ cấp giấy chứng nhận trúng tuyển vào lớp 10 THPT
Từ mùa tuyển sinh năm học 2018-2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ chỉ kiểm tra và duyệt danh sách trúng tuyển vào lớp 10 THPT của các trường THPT, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Giấy chứng nhận trúng tuyển vào lớp 10 THPT sẽ không còn được cấp như các năm trước.
Việc quản lý học sinh sẽ thực hiện bằng sổ điểm điện tử thông qua mã học sinh. Theo đó, mỗi em sẽ có một mã học sinh trong sổ điểm điện tử (eSAMS). Mã này dùng để quản lý quá trình học tập, rèn luyện, thi, tuyển sinh... của học sinh trong các năm học từ khi học mầm non đến hết lớp 12. Các hồ sơ gồm: học bạ, sổ liên lạc, phiếu điểm, giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, bằng tốt nghiệp THCS của học sinh đều được gắn mã học sinh thống nhất.
Mã học sinh sẽ giúp các em tham gia nhập học khi tuyển sinh, chuyển trường... dễ dàng hơn.