LTS: Mỗi trẻ đều có sự khác biệt, cũng như có giá trị riêng, tuy nhiên, dù được sinh ra và lớn lên theo hệ niềm tin, phong tục, tập quán, hoàn cảnh như thế nào, hay ở miền quê nào, thì mọi trẻ đều có chung những nhu cầu cơ bản.
Nhìn nhận thấy điều này, tác giả Nguyễn Lâm Thúy làm việc tại Hội khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam có lời chia sẻ giúp các bậc phụ huynh có thể tham khảo để nuôi dạy con cái mình một cách tốt nhất ở từng giai đoạn, độ tuổi khác nhau.
Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả ý kiến này.
Học sinh sẽ không thể tự giác, nỗ lực học nếu không hiểu rõ: “Học để làm gì? Học cho ai?...”. Trong khuôn khổ bài này, tôi mạn phép được bàn về ĐỘNG CƠ CỦA NGƯỜI HỌC dưới hai góc độ. Đó là động cơ học từ bên trong và động cơ học từ môi trường giáo dục của mỗi người.
Năm 1943, nhà tâm lí học Abraham Maslow với Học thuyết Tháp nhu cầu, đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực hoạt động của đời sống con người, trong đó có cả giáo dục.
Ở độ tuổi từ 0-8
Trẻ ở trong giai đoạn háo hức khám phá thế giới xung quanh mình, học qua trải nghiệm. Trẻ 0-8 tuổi, chưa biết thế nào là nguy hiểm, điện giật,... chúng có thể chơi dao kéo, có thể nghịch lửa, có thể chạy sang đường tùy tiện,… mà không chút đắn đo lo sợ.
Nguyên nhân chính là do thiếu kiến thức, do chưa được rèn luyện kĩ năng, nên giai đoạn này trẻ thường làm những việc có tính bản năng, có thể gây mất an toàn tính mạng cho mình và cho những người xung quanh.
Mỗi lần như vậy, trẻ đều nhìn thấy sự phản ứng mạnh mẽ, cảnh lo âu của cha mẹ, thầy cô hay của mọi người. Sau mỗi lần đó, trẻ có thể bị đau, bị mắng,…và chúng biết thế nào là mất an toàn.
Nhu cầu an toàn đã trở thành nhu cầu bức thiết, thành động cơ khiến con trẻ mong muốn được học tập. Học ăn, học nói, học gói, học mở,…để biết cách tự bảo vệ mình và được yêu thương.
Vì vậy, giai đoạn này, khẩu hiệu tạo được động cơ học tập cho trẻ chính là “HỌC ĐỂ ĐƯỢC AN TOÀN”.
Ở độ tuổi từ 9-13
Trẻ bước vào tuổi dậy thì, có những biến đổi về mặt sinh học, tâm lý đặc trưng.
Trẻ có ý thức với bản thân, biết tự chăm sóc an toàn cho mình, giúp cha mẹ việc làm ăn đơn giản, như đi ra đồng bắt cá, xuống xưởng mộc đánh bóng, bào gỗ, bán hàng,…
Ở độ tuổi này, trẻ bắt đầu coi trọng mối quan hệ bạn bè, thích giao tiếp, thích làm theo ý mình, mong muốn được cha mẹ lắng nghe, tôn trọng,...
Trong lòng trẻ xuất hiện những trạng thái tâm lí đối lập, mâu thuẫn, như: vừa muốn gắn bó và nghe lời cha mẹ, vừa muốn tách khỏi sự chăm sóc, che chở của cha mẹ, chống đối để được làm mọi việc mình thích.
Vì vậy, đối với con trẻ ở độ tuổi này, mục tiêu “HỌC ĐỂ ĐƯỢC ĐỘC LẬP” chắc chắn sẽ khiến cho chúng thêm động lực học tập mỗi khi nhìn thấy, hay nghĩ đến nó.
Ở độ tuổi từ 14-16 tuổi
Trẻ đã có nhận thức khá đầy đủ về an toàn, có kĩ năng chăm sóc bản thân; kĩ năng giúp đỡ cha mẹ, bạn bè, xóm giềng, nhiều việc trong cuộc sống.
Lúc này trẻ đã trở nên giống người lớn về nhiều phương diện, chúng nỗ lực tìm kiếm sự tự do trong sinh hoạt, tự do trong tiền bạc,…
Chúng muốn tách khỏi sự quản lý, kiểm soát của gia đình, hay sự chê bai, phê phán của cha mẹ, thầy cô hoặc những người lớn tuổi.
Nhu cầu thử nghiệm muốn khám phá các năng lực của bản thân, được thể hiện những khả năng của mình,… sẽ là động lực to lớn khiến trẻ chống đối, cãi lại những người muốn ràng buộc, muốn quản lí khắt khe, hạn chế cơ hội khám phá, thử thách của chúng.
Vì vậy, ở giai đoạn này, nếu cha mẹ, thầy cô, thấu hiểu tâm tư của trẻ thì, ngoài việc nhấn mạnh “HỌC ĐỂ ĐƯỢC ĐỘC LẬP”, nên chăng bắt đầu nêu cao khẩu hiệu “HỌC ĐỂ ĐƯỢC TỰ DO” .
“HỌC ĐỂ ĐƯỢC TỰ DO” sẽ khích lệ trẻ cố gắng học tập hơn để thỏa mãn khát khao khẳng định giá trị của mình, “HỌC ĐỂ ĐƯỢC TỰ DO” sẽ tăng thêm động lực để trẻ tự giác học tập, hướng tới mục tiêu được làm chủ bản thân, làm chủ cuộc sống của mình.
Bên cạnh đó, mỗi học sinh khi sinh ra được nhận những gene di truyền khác nhau từ cha mẹ, ông bà,… nên chúng sẽ có những đặc điểm khác biệt về tiềm năng học tập cao thấp; tính cách chủ động, bị động; trí năng đa dạng hay đơn dạng; sức khỏe mạnh hay yếu; tốc độ phản ứng nhanh hay chậm, sự kiên trì, tập trung cao hay thấp,…và cả hoàn cảnh sống.
Vì vậy, mỗi học sinh sẽ có thêm những động cơ học tập chuyên biệt riêng. Trẻ thì thích học nhóm, có người cùng học; trẻ thì thích tự học, độc lập; trẻ thì thích các hoạt động thể chất; trẻ lại thích các hoạt động trí tuệ,.. Trẻ thì học giỏi toán, trẻ thì học giỏi Ngoại ngữ, trẻ thì giỏi thể thao,…
Cha mẹ, thầy cô cần khách quan, toàn diện và nhanh chóng, nhận biết những điểm riêng biệt của từng học sinh.
Từ đó, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi tối đa cho học sinh được học đầy đủ kiến thức phổ thông, nhưng lại có thể học chuyên sâu về những điều chúng thích hoặc chúng có khả năng, trên cơ sở những điều đó không hại mình, không hại người khác …
Tránh ép buộc trẻ học quá chuyên sâu vào những môn trẻ không thấy được ý nghĩa, hứng thú và khả năng của mình. Tránh làm trẻ chán học vì phải học theo cách của người khác,…
Học hoặc chơi là cơ hội để cho trẻ khám phá thế giới xung quanh, học và chơi là cơ hội để cho trẻ khám phá thế giới trong ta và hướng tới hiểu biết để lựa chọn nghề nghiệp, cách ứng xử phù hợp.
Dù học bằng cách nào, ở đâu,…thì học vẫn là con đường để trẻ sau này có nghề nghiệp, nuôi sống bản thân, sống độc lập, tự do và cống hiến xã hội.
Học tập là một hoạt động, vì vậy cần có đánh giá để biết hiện trạng của hoạt động đó như thế nào?
Tuy nhiên cần đánh giá cái gì? Đánh giá như thế nào để tăng cảm giác thành công cho trẻ, để trẻ thêm hăng say học tập? Đây chính là động cơ từ môi trường giáo dục.
Không có cảm giác thành công, trẻ sẽ không tiếp tục nỗ lực. Để có cảm giác thành công cho trẻ, chúng ta nên chia nhỏ mục tiêu giáo dục, đánh giá những việc thiết yếu, thậm chí là việc rất cốt lõi, rất dễ đạt được.
Tôi thiết nghĩ giai đoạn phổ thông cha mẹ, thầy cô cần chú trọng nhận xét về mỗi trẻ những việc sau:
Tuổi 0-5: Nền nếp sinh hoạt, kiến thức trong tầm tay và các kĩ năng tự chăm lo cho bản thân an toàn của trẻ trong môi trường gia đình và Nhà trường,...
Tuổi 6-8: Nền nếp học tập, kiến thức trong tầm nhìn, kĩ năng lấy thông tin, ghi nhớ thông tin qua các giác quan và kĩ năng ứng xử an toàn với môi trường xung quanh,...
Tuổi 9-13: Nền nếp tự học, kiến thức trong tầm nhìn xa hơn, kĩ năng ghi nhớ, xử lí thông tin qua tư duy thực hành và kĩ năng chăm sóc gia đình, giao tiếp với bạn bè,...
Tuổi 14-16: Nền nếp xây dựng mục tiêu, nguyên tắc ứng xử, hành động; kiến thức trong tầm nghĩ của trẻ, kỹ năng tự học và xử lí vấn đề qua tư duy lí luận, tư duy trừu tượng, kĩ năng làm chủ bản thân, hòa nhập xã hội an toàn,...
Nề nếp có thể đánh giá hàng tháng, kiến thức có thể đánh giá hàng quí, kĩ năng thì đánh giá hàng năm. Với cách đánh giá này sẽ không còn hiện trạng, học vì điểm số, học vì bằng cấp. Học bây giờ sẽ là vì bản thân, vì cuộc sống an toàn, độc lập, tự do của chính mình,...
Cha mẹ và thầy cô có thể căn cứ vào các sự kiện xảy ra liên quan tới con trẻ tại gia đình, tại trường lớp hay ngoài xã hội, để ngợi khen, hoặc phân tích, chỉ bảo nguyên nhân của các sự kiện cũng như các giải pháp phù hợp hơn ,…
Cha mẹ nào, thày cô nào cũng khát khao mong muốn con em được thành đạt, có tương lai ổn định, phát triển bền vững. Con trẻ, bản thân cũng có những mong muốn và khát khao như vậy. Chúng ta cùng chung mục đích và chỉ khác nhau phương pháp hành động.
Con trẻ ngại học, sợ học và ghét học?
Phải chăng sai lầm ngay từ những khẩu hiệu có tính định hướng hiện có trong các nhà trường, mà mỗi trẻ đều thấy khó hiểu, khó nhớ và khó làm theo, như “Tiên học lễ, hậu học văn”; “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình”,…
Để tạo động cơ học tập, chúng ta cần những khẩu hiệu ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, để dễ đi vào lòng con trẻ hơn nữa!