3 phương án đều có hạn chế
Phương án 1: Thi 4 bài thi độc lập, trong đó có 1 bài thi tháng 3 mới công bố. Như vậy, học sinh phải tập trung vào tất cả các môn, thi 4 môn riêng biệt sẽ tương đối áp lực so với chỉ 2 môn thi hiện tại.
Phương án 2: Việc kết hợp thi tuyển 2 môn Toán, Văn kết hợp với xét tuyển như hiện nay có một vài điểm bất cập như: Học sinh học lệch, xét tuyển bằng điểm rèn luyện và học tập các năm cấp 2 chưa thực sự chính xác, cảm tính. Ngoại ngữ là môn quan trọng nhưng do không thi nên cũng khiến các em xem nhé.
Phương án 3: Ngoài việc thi 2 môn chính là Toán + Văn, học sinh còn thi thêm bài thi tổ hợp gồm 4 môn. Như vậy, học sinh sẽ phải ôn tất cả là 6 môn vào giai đoạn cuối (tháng 3 hàng năm công bố tổ hợp 4 môn sẽ thi). Điều này gây sức ép tâm lí rất lớn lên các em, dù cho đề thi tổ hợp có nhẹ nhàng đi chăng nữa. Bên cạnh đó, việc thi trắc nghiệm cũng cần có thời gian cho học sinh làm quen cả về cách học và cách làm bài.
Kết hợp phương án 1 và 3 nhằm khắc phục các hạn chế
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang lấy ý kiến về 3 phương án thi trên và cũng cho biết các trường có thể đề xuất các phương án khả thi khác.
Theo thầy Hồng Trí Quang, trong xu thế hội nhập thế giới hiện nay, Ngoại ngữ là rất cần thiết và cũng đang được đầu tư giảng dạy trong các trường từ tiểu học tới THCS. Do đó, có thể tổ chức thi Toán, Văn và Tổ hợp 2 môn (Ngoại ngữ + 1 môn được lựa chọn bằng hình thức bốc thăm vào tháng 3 hàng năm). Trong đó, Toán, Văn thi 120 phút tự luận như lâu nay, bài thi tổ hợp trắc nghiệm nhẹ nhàng với các câu hỏi ở mức độ thông hiểu, nhận biết và vận dụng đơn giản để tránh áp lực cho học sinh thì tháng 3 mới công bố môn thi còn lại trong bài thi tổ hợp.
Phương án này sẽ khắc phục được hạn chế được những hạn chế ở phương án 1 và phương án 3, vẫn đảm bảo học sinh học đều các môn. Với tổ hợp 2 môn (Ngoại ngữ + 1 môn được lựa chọn) sẽ giúp học sinh làm quen dần với chương trình tích hợp của sách giáo khoa mới.
Đặc biệt sự tích hợp môn Ngoại ngữ với 1 môn được lựa chọn cũng là khá dễ dàng. Phương án như vậy sẽ giảm bớt được 1 bài thi so với phương án 1 (tức giảm bớt được 1 buổi thi), đồng thời giảm bớt được số môn thi (6 môn) so với phương án 3 từ đó cũng giảm bớt áp lực thi cử cho học sinh.
Sở GD&ĐT Hà Nội cần sớm chốt phương án thi ngay ở nửa đầu học kỳ 1 của năm học 2018 - 2019 để thầy và trò thuận tiện trong việc học và ôn thi vào 10. Đồng thời, nếu lựa chọn một phương án thi mới, Sở cũng cần tập trung xây dựng ngân hàng câu hỏi chất lượng và công bố sớm đề thi minh họa để nhà trường, giáo viên và học sinh có kế hoạch dạy học và ôn tập tốt.