Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Nghề dạy học là nghề cao quí nhất trong các nghề cao quí, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người, họ cứ như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu thầm lặng tỏa hương dâng hiến cho thế hệ trẻ, sức lực cho đời”. Vâng, nghề “chèo đò” của các thầy, các cô thật vất vả, kiên trì.Và, học trò đôi lúc ngây thơ đã khiến thầy chạnh lòng, trầm ngâm, nhưng tình cảm thầy trò đã làm thầy khoan dung, đã tạo động lực cho thầy bước tiếp. Tình nghĩa thiêng liêng ấy đã trở thành hành trang tâm hồn cho bao bạn trẻ và làm nên nguồn cảm hứng bất tận cho thơ văn.
Bạn đọc thân mến,
Chúng ta không ai là không lớn lên bằng lời ru của mẹ và mồ hôi vất vả của cha, những bài học của các thầy cô giáo. Những bài học ấy tưởng chừng như đơn giản nhưng lại bao hàm và chất chứa những ý nghĩa sâu xa. Thậm chí, có những lời nói, bài học theo suốt cả cuộc đời mãi về sau này. Cuốn sách “Quà tặng dâng lên thầy cô” là một bài học như thế.
Được in trên khổ giấy 13x 21cm do nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2011, cuốn sách tập hợp những câu chuyện cảm động về tình thầy trò giàu tính nhân văn. Ngay trang bìa cuốn sách chúng ta đã nhận thấy tác giả thật tinh tế. Bởi, dòng chữ “ Quà tặng dâng lên thầy cô” được đặt trang trọng tại vị trí trung tâm của bìa trước cuốn sách. Bìa sau trích dẫn một câu nói nổii tiếng của Nhà nghiên cứu giáo dục Marva Collins:“ Học phí có thể trả bằng tiền nhưng tình thương của người thầy dành cho học trò thì không gì trả nổi”. Có lẽ, khi cầm trên tay cuốn sách các bạn sẽ tự hỏi: “ Quà tặng dâng lên thầy cô là những món quà nào? Tại sao không phải là tặng mà lại là dâng lên? Phải chăng, những món quà đó thật đặc biệt?” Những thắc mắc đó sẽ được giải đáp khi chúng ta lật giở từng trang sách.
Chỉ gói gọn trong 249 trang, chỉ với 52 câu chuyện với những tựa đề ngắn gọn nhưng đong đầy xúc cả như: Niềm tin, Người thầy tận tâm, Món quà vô giá… cũng đủ làm trái tim ta lắng lại. Đặc biệt, trước mỗi câu chuyện tác giả luôn dành một trang để trích dẫn một lời cảm ơn chân thành đến người thầy, người cô:
“Con cảm ơn thầy … thầy đã nhắc nhở con rằng lỗi lầm lớn nhất mà con có thể mắc là mất thời gian để biện hộ cho lầm lỗi của mình”.
“Con cảm ơn thầy… thầy đã nhắc nhở con rằng một cách cư xử tốt luôn bắt đầu bằng một việc nghĩ về điều tốt cho người khác”.
Càng đọc, ta lại càng thả hồn mình trôi miên man theo dòng cảm xúc của lời văn. Cùng suy ngẫm một chút với lá thư của Tổng thống Abraha Lincohn viết gửi cho thầy hiệu trưởng nơi con trai ông theo học có tựa đề “ Xin thầy hãy dạy cho con tôi…”:
“ Xin hãy dạy cho cháu học sách chấp nhận thất bại và cách tận hưởng niềm vui chiến thắng.
…Xin hãy dạy cho cháu biết đến thế giới kỳ diệu của sách… nhưng cũng để cho cháu có đủ thời gian để lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống… Ở trường, xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận trong khi thi.”
Mải mê lật từng trang giấy nhỏ, chúng ta như tìm thấy mình khi còn là một cô - cậu học trò bé nhỏ được thầy cô dạy dỗ, yêu thương, để rồi lại thở dài trong tiếc nuối, thầm trách thời gian sao vô tình trôi để năm tháng tươi đẹp ấy vụt bay đi. “Người thu nhặt các mảnh vỡ” là một câu chuyện như vậy. Đó là kí ức Tali - một cô giáo dạy Văn về cô giáo cũ của mình. Tali đã từng bị một nhóm côn đồ làm nhục khi còn là một học sinh. Tưởng rằng Tali sẽ không thể vượt qua nỗi đau đớn ấy. Nhưng rồi có một phép màu nhiệm khi Tali được cô Jones vào khoa Piano khi đến học ở ngôi trường mới. Trong suốt quãng thời gian ấy, cô Jones đã bày cho Tali viết nhật ký để vượt qua sư điên loạn trong nỗi đau đớn ấy. Và Cô Jones chính là đồng minh với Tali trong trận chiến nội tâm này. Ngày trở lại thăm trường, Tali gặp lại cô Jones khi cô đang cầm trên tay một hộp đầy quyển nhật kí. Và Tali chợt nhận ra rằng: “…Giáo viên dạy Văn là giáo sư của tâm hồn. Chính họ là người cần mẫn thu nhặt những mảnh vỡ cuộc đời và tìm cách hàn gắn chúng lại. Có lẽ vì tâm hồn họ là những tấm gương mà khi soi vào đó học trò nhận ra những nỗi sợ hãi và những bí mật sâu kín nhất.” Đó cũng chính là lí do Tali chọn dạy môn Văn.
Cứ thế mỗi câu chuyện là một bài học giản dị nhưng ấm áp và ý nghĩa. Từ câu chuyện mở đầu với lá thư của tổng thống Abraham Loncoln gửi cho thầy giáo của con mình cho tới những câu chuyện có tác giả kể và cả những câu chuyện khuyết danh được lưu truyền qua nhiều thế hệ nữa. Tất cả những bài học ý nghĩa đó đều dành để tôn vinh những giá trị, tầm quan trọng của tình cảm thầy trò. Chính thầy cô giáo là những người dịu dắt chúng ta vững bước trên con đường đời. Ngược lại chính sự trưởng thành của mỗi thế hệ học sinh là nguồn động viên lơn lao để thầy cô hoàn thành trách nhiệm của mình.
Mỗi năm cứ đến tháng 11 này, đâu đâu cũng thấy học sinh rủ nhau về thăm thầy cô giáo, thăm trường lớp cũ nó như một cơ hội để bạn học cũ gặp lại nhau. Thầy cô giáo được ngắm nhìn lại những thành quả từ nghiệp trồng người của mình. Và những bó hoa tươi thắm, những món quà ý nghĩa như cuốn sách này “Quà tặng dâng lên thầy cô” đều là những thứ không thể thiếu. Nó cũng cơ hội để mỗi người chúng ta gửi lời tri ân tới các thầy cô giáo của mình. Mời các bạn đón đọc thêm các cuốn sách khác có cùng chủ đề như “ Người thắp sáng ước mơ”, “ Viết cho thầy, gửi cho cô và tặng cho trò”, “ Cô sẽ giữ cho em mùa xuân” tại thư viện nhà trưòng.