Khi các em học sinh tới trường, lớp, trách nhiệm quản lý, giám sát thuộc về thầy cô và nhà trường. Nhưng khi mùa hè đến cũng là lúc các em được thoải mái vui chơi trong suốt một kỳ nghỉ dài tại địa phương nơi cư trú.
Trái với tâm lý vui mừng của trẻ khi được xả hơi, các bậc phụ huynh lại loay hoay giải bài toán bố trí chăm và trông con trong dịp hè. Con nghỉ, bố mẹ vẫn phải đi làm, quản lý các con an toàn đã khó, làm thế nào để con có kỳ nghỉ hè vui chơi, giải trí thú vị và bổ ích lại càng khó hơn.
Nghỉ hè trẻ em không được sự quan tâm đúng mức của gia đình , cha mẹ
thường ra các bờ sông chơi đùa, câu cá, tắm
Ở khu vực thành phố không gian vui chơi, giải trí của trẻ em ngày càng bị thu hẹp, nhường chỗ cho các khu đô thị mới, các bãi trông xe, các điểm bán hàng. Do không có sân chơi, nhiều em đã dùng vỉa hè làm sân cầu lông , sân bóng, hoặc "nướng" thời gian vào internet để chat, chơi điện tử. Không ít trong số đó đã sa đà vào các trò chơi mang tính bạo lực hoặc có nội dung đồi trụy, dễ làm phát sinh ở các em những suy nghĩ tiêu cực.
Còn ở các vùng nông thôn, miền núi, do điều kiện kinh tế khó khăn, tình trạng thiếu sân chơi và các hoạt động hè cho trẻ em cũng càng trở nên hiếm hoi hơn. Tại đây địa hình có nhiều sông, suối, đồi núi nguy hiểm. Do tự ý đi chơi mà không có sự giám sát của người lớn nên đã có những tình huống đáng tiếc xảy ra.
Để giúp các em có một mùa hè vui tươi, bổ ích và lý thú, các cấp, các ngành, địa phương, cần sớm có kế hoạch trong việc duy tu, tôn tạo, xây dựng mới các điểm vui chơi an toàn, thân thiện đối với trẻ... Tổ chức đoàn thanh niên các cấp, nhất là ở cơ sở, cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc tạo ra những hoạt động hè sôi nổi, hấp dẫn đa dạng hóa hình thức tổ chức, tạo ra những sân chơi giải trí lành mạnh cho các em như chơi các môn thể thao , tổ chức tủ sách thích hợp cho các em đọc hoặc tổ chức các buổi sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, những buổi đi cắm trại ở công viên, đi thăm các di tích lịch sử...
Tổ chức đoàn phải kết hợp chặt chẽ với các ban ngành địa phương để hạn chế tối đa những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Ví dụ như đuối nước, bỏng hố vôi, ngã núi. Để làm được điều đó các em cần được tham gia những lớp tập huấn để có thể làm quen với từng địa hình và nắm bắt được những nguy hiểm nào có thể ảnh hưởng xấu tới bản thân và các bạn khác.
Và hơn hết, từ mỗi gia đình, các bậc phụ huynh nên quan tâm, có biện pháp quản lý, không nên để trẻ sa đà vào các trò chơi vô bổ, thiếu lành mạnh, ảnh hưởng xấu sức khỏe cũng như sự phát triển tâm hồn và trí tuệ của trẻ em. Không được cho trẻ tới những khu vực nguy hiểm mà không có sự giám sát của gia đình hay những người lớn tuổi.