Qua câu chuyện ông tâm sự, chúng tôi có thêm cơ hội để được biết đến những việc làm bình dị mà cao cả của những người cựu chiến binh đã từng vào sinh ra tử một thời ở những nhà tù hay chiến trường đầy khói lửa.
Nhập ngũ năm 1965, trong quá trình tham gia chiến đấu, ông Bảng cùng đồng đội đã tiêu diệt nhiều quân địch góp phần vào thành công của các chiến dịch. Năm 1968, ông bị thương nặng ở tay, chân và bị địch bắt làm tù binh ở nhà tù Biên Hòa, sau chuyển tới giam ở nhà tù Phú Quốc. Đến năm 1973, ông cùng nhiều đồng đội được trao trả theo Hiệp định Paris.
Ông Lâm Văn Bảng - Giám đốc Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày.
|
Trở về đời thường nhưng dư âm của những ngày sống trong “địa ngục trần gian” vẫn mãi đeo đuổi ông. Sau nhiều đêm mất ngủ, ông nảy ra ý định đi sưu tầm những kỷ vật về các đồng đội trong những tháng ngày nghiệt ngã tại nhà tù Phú Quốc. Từ đây, ông Bảng đã dành thời gian đi sưu tầm các hiện vật, kỷ vật chiến tranh và hiến toàn bộ ngôi nhà 2 tầng cùng khu đất hơn 2.000 m2 làm khu trưng bày.
Ban đầu ông lấy tên là “Phòng truyền thống chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày”, với hơn 2.000 hiện vật. Đến đây, du khách tham quan hoàn toàn miễn phí và được các nhân viên làm việc tại Bảo tàng - những nhân chứng sống hướng dẫn, giới thiệu nhiệt tình, tỷ mỉ về những hiện vật đang được trưng bày nơi đây. Bản thân ông Lâm Văn Bảng vượt hàng vạn dặm đi tìm lại hàng ngàn hiện vật của những đồng đội người mất, người còn để làm phong phú thêm cho Bảo tàng. Nhiều hiện vật được lưu giữ, trưng bày rất đặc biệt, không một nơi nào có được như lá cờ đỏ được làm bằng máu của chiến sĩ cách mạng
Hàng năm, cứ vào dịp những ngày lễ lớn của đất nước, Bảo tàng Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày lại thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan. Ai cũng xúc động khi xem những tư liệu, hình ảnh và hiện vật về cuộc chiến tranh chống Mỹ; những tấm gương kiên trung của chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày trong nhà tù Phú Quốc. Đến nay, qua 9 năm hoạt động, với 10 phòng trưng bày hơn 4.000 hiện vật, mỗi năm, bảo tàng đón hàng vạn du khách tham quan, trở thành một địa chỉ văn hóa của Hà Nội, nơi lưu giữ, trưng bày, tố cáo tội ác chiến tranh, giáo dục truyền thống cho muôn đời sau.
Với mục đích lưu giữ, truyền lại ngọn lửa nhiệt huyết, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, ông Bảng cũng những người đồng đội nơi đây còn tổ chức đi trưng bày lưu động. Ngoài ra, Bảo tàng đã tổ chức giao lưu, kết nghĩa với nhiều đơn vị và tổ chức nói chuyện với những nhân chứng sống để mọi người được hiểu rõ hơn về những tội ác dã man của kẻ thù cùng lòng dũng cảm, kiên cường cách mạng của những người con Việt Nam, con lạc cháu hồng, những anh lính cụ Hồ năm xưa.
Bằng tấm lòng, tình cảm tri ân với những người cộng sản đã hy sinh, bằng sự nhiệt huyết và không quản ngại mọi khó khăn, thiếu thốn, 15 cựu tù Phú Quốc mà đứng đầu là ông Lâm Văn Bảng, họ đã làm nên một bảo tàng vô cùng có ý nghĩa. Đó là nơi lưu giữ và truyền lửa cho thế hệ trẻ về tình yêu Tổ quốc và truyền thống đấu tranh bất khuất kiên cường không gì lay chuyển được của những người Cộng sản.
Những việc làm tri ân đồng đội của ông Lâm Văn Bảng, ông đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của TP, Hội CCB các cấp. Trong đó, năm 2010, ông Bảng được Hội khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam – Trung tâm giáo dục truyền thống và lịch sử tặng 7 chữ “Khơi lửa hồng – thắp sáng niềm tin” vì sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ. Học theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ông Bảng và những người đồng đội sáng lập ra bảo tàng đang nỗ lực tiếp thêm sức mạnh, truyền lại lòng nhiệt huyết và tinh thần dân tộc cho các thế hệ mai sau.